Hội nghị tổng kết hoạt động Tạp chí "Pháp luật và Thực tiễn" và tọa đàm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Ngày cập nhật: 11-06-2022Ngày 09/6/2022 Trường Đại học Luật, Đại học Huế tổ chức tổng kết hoạt động Tạp chí "Pháp luật và Thực tiễn" và tọa đàm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Đến dự buổi tổng kết, về phía Đại học Huế có TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Đại học Huế, Phó Giám đốc phụ trách Đại học Huế; ông Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện lãnh đạo các Báo và Đài truyền hình, phát thanh truyền hình Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế; các phóng viên đại diện lãnh đạo các văn phòng đại diện, thường trú các báo, tạp chí trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; quý thầy cô giáo của trường Đại học khoa học và quý vị đại biểu. Về phía Trường Đại học Luật có PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng – Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn"; PGS.TS. Nguyễn Duy Phương, Phó Hiệu trưởng- Phó Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn"; TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đồng trường cùng các đồng chí Trưởng, phó các đơn vị.
PGS.TS. Đoàn Đức Lương
Tại Hội nghị PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng - Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn phát biểu khai mạc và chia sẻ quá trình hoạt động của Tạp chí "Pháp luật và Thực tiễn": Trường Đại học Luật của chúng tôi là trường được thành lập năm 2015, trên cơ sở khoa Luật trực thuộc Đại học Huế (thành lập từ năm 2009), tách ra từ khoa Luật của Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế. Với một địa điểm mới trong khu quy hoạch Đại học Huế lúc đầu chuyển lên vào năm 2009 rất hoang sơ, nhiều khó khăn nhưng hơn 10 năm qua đã có những cải thiện đáng kể về cơ sở vật chất; đội ngũ được xây dựng vững mạnh có trình độ cao đạo tạo trình độ cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ nguồn nhân lực chất lượng cho cả nước; hoạt động hợp tác quốc tế được quan tâm đặc biệt, trong thời dịch và sau dịch Covid-19 nhiều hội thảo quốc tế và quốc gia được tổ chức trao đổi học thuật; Nhà trường cũng đã thực hiện Kiểm định chất lượng 02 chương trình đào tạo cử Luật và Luật Kinh tế vào tháng 3/2022 (được chứng nhận đạt chuẩn quốc gia),…Giai đoạn từ 2019 đến nay, Trường được bầu vào 5 thành viên thường trực của mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật ở Việt Nam (tính tháng 12/2021 có 96 cơ sở đào tạo cử nhân Luật). Tạp chí của Trường từ Thông tin pháp lý năm 2009; sau đó được nâng cấp thành tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, hiện nay đã xếp trong danh mục Hội đồng học hàm giáo sư; tạp chí là diễn đàn khoa học thu hút các nhà khoa học, các nhà thực tiễn trên cả nước và ngày càng được nâng cao chất lượng, đang xây dựng đăng ký tạp chí điện tử. Trong những năm xây dựng và phát triển, vị thế của Đại học Huế nói chung và trường Đại học Luật nói riêng trong tổng thể sự phát triển của Thừa Thiên Huế. Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Đại học Huế, sự truyền thông của các cơ quan báo chí, truyền thông cả nước nói chung và ở tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đã luôn hỗ trợ, chia sẻ, động viên cho Nhà trường,..
PGS.TS. Nguyễn Duy Phương
PGS.TS. Nguyễn Duy Phương, Phó Hiệu trưởng báo cáo tổng kết hoạt động Tạp chí Pháp luật và thực tiễn, trường Đại học Luật, Đại học Huế, đã chia sẻ: Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn của Trường Đại học Luật, Đại học Huế được hoạt động theo giấy phép hoạt động báo chí số 296/GP-BTTT ngày 06 tháng 6 năm 2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn là diễn đàn khoa học để quảng bá hình ảnh của Nhà trường; là 1 trong 3 cơ sở đào tạo Luật có tạp chí chuyên ngành ở Việt Nam. Sau 6 năm được thành lập, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn đã xuất bản được 21 số (kỳ hạn xuất bản 01 số/03 tháng) với gần 600 bài nghiên cứu khoa học gửi về Tạp chí được biên tập, phản biện bởi các nhà khoa học uy tín trong nước và 248 bài được duyệt đăng trên Tạp chí. Chất lượng bài báo ngày càng nâng cao, quy trình xuất bản chặt chẽ, phản biện độc lập, uy tín. Đa phần các công trình khoa học được công bố đều đảm bảo chất lượng và được công bố bởi cán bộ giảng viên Nhà trường có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư,.. Ngoài ra còn có nhiều bài viết của các giáo sư, phó giáo sư ở các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khác trong cả nước. Chính vì vậy, sau gần 2 năm thành lập, ngày 26 tháng 5 năm 2017 Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn đã được Cục Thông tin Khoa học và công nghệ quốc gia cấp mã số chuẩn quốc tế ISSN. Kết quả hoạt động của Tạp chí đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn tiếp tục duy trì các kết quả đã đạt được, giữ vững uy tín khoa học của Tạp chí qua các năm hoạt động. Đến tháng 06 năm 2020, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn đã được phê duyệt nằm trong danh mục Tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng Giáo sư ngành Luật học với số điểm là 0,5 điểm theo Quyết định số 18/QĐ-HĐGSNN ngày 30 tháng 06 năm 2020 của Hội đồng Giáo sư nhà nước. Đây là một cột mốc đánh dấu có ý nghĩa quan trọng đối với Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, khẳng định Tạp chí là địa chỉ đang tin cậy của các học giả, nhà khoa học để trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học về lĩnh vực khoa học pháp lý, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển khoa học – công nghệ ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.
Nhà báo Dương Phước Thu
Tại Hội nghị có 02 bài tham luận được trình bày (1) Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, của ông Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế . (2) Chia sẻ một số vấn đề về Tổng tập Tạp chí khoa học Đại học Huế của TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Đại học Huế.
Buổi tổng kết hoạt động Tạp chí "Pháp luật và Thực tiễn" và tọa đàm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam diễn ra thành công tốt đẹp./.