Hội thảo khoa học dành cho người học "Pháp luật Việt Nam trong xu thế toàn cầu hoá"
Ngày cập nhật: 29-10-2021Ngày 29/10/2021, Trường Đại học Luật, Đại học Huế tổ chức Hội thảo khoa học dành cho người học với chủ đề "Pháp luật Việt Nam trong xu thế toàn cầu hoá".
Tham dự Hội thảo, về phía Tỉnh Thừa Thiên Huế có đại diện Tòa án nhân dân, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư. Về phía Trường Đại học Luật có PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng, PGS.TS. Nguyễn Duy Phương, Phó Hiệu trưởng, Trưởng, phó các đơn vị, các nhà khoa học và cùng toàn thể giảng viên, học viên và sinh viên Nhà trường tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Duy Phương đã nêu: Toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Xu thế toàn cầu hóa hiện nay là: Sự phát triển nhanh chóng của quan hệ thương mại quốc tế; Sự phát triển và tác động to lớn của các công ty xuyên quốc gia; Sự sáp nhập và hợp nhất các công ty thành những tập đoàn lớn; Sự ra đời của tổ chức liên kết kinh tế, tài chính quốc tế và khu vực. Toàn cầu hóa vừa là thời cơ, cơ hội lớn cho các nước phát triển mạnh, đồng thời cũng tạo ra những thách thức lớn đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam,..Với lý do đó mà Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã chọn chủ đề: "Pháp luật Việt Nam trong xu thế toàn cầu hoá" tổ chức Hội thảo.
Hội thảo tập trung vào 5 chủ đề: Những vấn đề pháp lý hiện nay – Tiếp cận lý luận và thực tiễn ở Việt Nam và Thế giới; Tiếp cận vấn đề khoa học pháp lý trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Pháp luật Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số; Pháp luật quốc tế và hội nhập.
Báo cáo tham luận tại Hội thảo, có 04 chủ đề nổi bật như: (1) Ứng xử trên mạng xã hội – Tiếp cận pháp luật và đề xuất giải pháp hoàn thiện, sinh viên Hoàng Thị Lê Trang – Lớp Luật Kinh tế K42B, Trường Đại học Luật, Đại học Huế. (2) Pháp luật một số quốc gia về bảo vệ quyền thông tin cá nhân và khuyến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số, Sinh viên Vũ Anh Tiến – Lớp 4222 - K42 Trường Đại học Luật Hà Nội. (3) Bảo đảm quyền của người đồng giới trong hoạt động tạm giữ, tạm giam theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Sinh viên Nguyễn Thị Hoài Linh – Lớp Luật K42G – Trường Đại học Luật, Đại học Huế. (4) Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ xâm hại tình dục trên môi trường mạng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Sinh viên Lê Quang Huy – Lớp Luật K43B – Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
Đây là dịp để các em sinh viên, học viên phát huy tính năng động, sáng tạo, khả năng nghiên cứu khoa học, là cơ hội để các em chia sẻ những kinh nghiệm trong học tập, tiếp cận và nghiên cứu kiến thức chuyên môn, nhằm đẩy mạnh và nâng cao tinh thần học tập, nghiên cứu khoa học của người học trong bối cảnh hội nhập, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học, tạo môi trường cho người học phát huy năng lực sáng tạo trong học tập và nghiên cứu khoa học.
Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp, các bài tham luận, các bài viết sẽ được in kỷ yếu làm tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên trong lĩnh vực này.