Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề "Cải cách tư pháp trong lĩnh vực tư pháp hình sự"
Ngày cập nhật: 27-11-2021Ngày 26/11/2021, Trường Đại học Luật, Đại học Huế và Tạp chí Kiểm sát đồng tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề "Cải cách Tư pháp trong lĩnh vực Tư pháp Hình sự".
Tham dự Hội thảo, có TS. Hoàng Anh Tuyên, Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát; TS. Chu Văn Hùng, Học viện An ninh nhân dân Hà Nội; GS.TSKH. Lê Văn Cảm, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Luật ĐHQG Hà nội, kiêm Trưởng Bộ môn Luật Hình sự - Giám đốc Trung tâm Tội phạm học; ThS. Lê Đình Nghĩa, Tòa án Quân sự KV1 Quân khu 5; các giáo sư từ Đại học Tổng hợp Tula (Liên Bang Nga). Về phía lãnh đạo Tỉnh Thừa Thiên Huế có Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an Tỉnh; Ông Phan Hồng Anh, Phó chánh văn phòng Đoàn đại biểu quốc hội Tỉnh; Ông Trương Cao Sơn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tỉnh; Ông Hồ Thanh Hải, Phó viện trưởng Viện kiểm sát Tỉnh; Ông Phan Văn Hải, Phó trưởng ban nội chính. Đại diện Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế có LS. Đặng Thị Ngọc Hạnh; đại diện các công ty Luật trên địa bàn Tỉnh; LS. Nguyễn Thị Huyền Trang, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Về phía Trường Đại học Luật, Đại học Huế có PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng cùng các đồng chí trong Ban giám hiệu; Trưởng, phó các đơn vị và toàn thể giảng viên, các nhà khoa học và sinh viên Nhà trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng và TS. Hoàng Anh Tuyên, Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát phát biểu chúc mừng Hội thảo, hai đơn vị nhấn mạnh: Chúng tôi cho rằng cải cách tư pháp trong những năm qua ở nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng về thực tiễn, cũng như nghiên cứu lý luận, cụ thể là: Trong việc xây dựng chính sách hình sự, mà bộ phận quan trọng của nó là chính sách pháp luật hình sự, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Trong việc tổ chức lại bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan điều tra, VKS, tòa án và cơ quan thi hành án hình sự; Trong hoạt động thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là sự đổi mới tư duy của cán bộ làm công tác thực tiễn; Trong định hướng nghiên cứu khoa học pháp lý ở nước. Tuy nhiên, trong nền tư pháp hình sự ở nước ta còn rất nhiều vấn đề đặt ra để bàn thảo như: hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, hệ thống pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật thi hành án hính sự; đổi mới thủ tục tư pháp hình sự; xác định đúng đắn mô hình tổ chức, bộ máy, chức năng của các cơ quan trong tư pháp hình sự; vấn đề bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự ,.. Đó là những nội dung vô cùng rộng lớn, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải được nghiên cứu, thảo luận, thống nhất nhận thức và hành động. Hội thảo của chúng ta sẽ thảo luận sâu rộng ở một số nội dung lớn đó, góp phần tăng cường thống nhất nhận thức, trao đổi pháp lý và kiến nghị cho cơ quan có thẩm quyền trong việc ban hành chính sách cải cách tư pháp mới và xây dựng nhà nước pháp quyền theo tinh thần Đại hội Toàn quốc XIII của Đảng.
TS. Nguyễn Ngọc Kiện, Trưởng Khoa Luật Hình sự, thay mặt ban chủ tọa báo cáo đề dẫn về các vấn đề liên quan đến Hội thảo: (1) Quyền tư pháp của tòa án có mối liên hệ bản chất với việc xác định các chức năng cơ bản của TAND, VKSND trong bộ máy nhà nước và trong thực tiễn vận hành mô hình tố tụng hình sự ở Việt Nam. Trong đó vai trò độc lập của Thẩm phán và sự bảo đảm công lý ở Việt Nam như thế nào? Ở góc độ nghiên cứu, cần phải luận giải để có quan điểm định hướng kịp thời, có tính dự báo trong giai đoạn cải cách tư pháp sắp tới. (2) Chế định VKSND trong bộ máy nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay đã hợp lý chưa, là một câu hỏi lớn cần phải được giải quyết kịp thời trong việc định hướng CCTP và hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới. (3) Hệ thống cơ quan điều tra chuyên trách trực thuộc Bộ Công an bị chi phối bởi thẩm quyền quản lý hành chính, đã hợp lý chưa, cần định hướng bộ máy theo mô hình nào? (4) Có cần chuyển hệ thống cơ quan Thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an quản lý sang Bộ Tư pháp không. Về mặt lý luận và thực tiễn ở Việt Nam cần được giải thích và có lộ trình thực hiện? (5) Hoàn thiện thủ tục tư pháp hình sự có vai trò quan trọng hàng đầu, là một nội dung lớn của đường lối CCTP. Trong đó BLTTHS và BLHS là nền tảng, trọng tâm nhất. Trong đó BLTTHS năm 2015 vẫn chưa thể hiện được nhiều định hướng CCTP của Đảng. (6) Chế định hình phạt trong BLHS còn nhiều bất cập, nhiều loại hình phạt được quy định mang tính hình thức, thể hiện kỹ năng lập pháp hạn chế. Trong đó cần thảo luận có nên sớm loại bỏ hình phạt tử hình ra khỏi BLHS hay không? Và bất cập của pháp luật trong việc thu hồi, xác định tài sản trong các vụ án chức vụ, tham nhũng, kinh tế? (7) Những hạn chế của mô hình TTHS thẩm vấn ở Việt Nam, cần phải được định hình theo hướng nào. Trong đó nguyên tắc suy đoán vô tội và quyền được xét xử công bằng được nhìn nhận như thế nào và cần hoàn thiện ở những nội dung nào, cũng rất cần được thảo luận. (8) Những khía cạnh về bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự ở các khía cạnh khác nhau. Trong đó bao gồm bảo đảm về quyền cho người bị buộc tội và nạn nhân, các quyền của người bị kết án và phạm nhân ở Việt Nam, là những nội dung lớn cần được quan tâm thảo luận. (9) Và cuối cùng, chúng ta dành sự quan tâm đến nội dung Hoàn thiện pháp luật về luật sư đương đại trong lĩnh vực tư pháp hình sự, đặc biệt là luật sư tham gia tố tụng, nhằm đáp ứng yêu cầu cải tạo xã hội nói chung, bảo đảm quyền con người và bảo đảm pháp chế?.
Hội thảo có 42 bài viết có chất lượng để in trong Kỷ yếu Hội thảo. Trong tổng số 42 bài viết có các bài đến từ các nhà khoa học. Có 11 tham luận báo cáo tại Hội thảo với các nội dung: (1) Những định hướng lớn cải cách tư pháp và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự Việt Nam, TS. Nguyễn Ngọc Kiện – Trưởng khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế; (2): Một số thành tựu trong nghiên cứu lý luận và đề xuất hướng nghiên cứu lý luận về cải cách tư pháp hình sự trong thời gian tới, TS. Đinh Thế Hưng–Trưởng phòng Pháp luật hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; (3) Phụ nữ bị tước tự do trong tư pháp hình sự Việt Nam - Nhìn từ phương pháp tiếp cận quyền, TS. Lê Lan Chi– Trưởng Bộ môn Tư pháp hình sự, Khoa Luật, Đại học Quốc Gia Hà Nội; (4) Quyền hiến tạng của tử tù tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp kiến nghị, TS. Lê Nguyễn Gia Thiện – Phó Trưởng Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật, VNU-HCM; (5) Hoàn thiện pháp luật thi hành án hình sự về bảo vệ quyền con người của phạm nhân trong bối cảnh cải cách tư pháp hiện nay, Nguyễn Thị Lan Anh – Trường Đại học Luật Huế; (6) Học thuyết về hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự - Nền tảng lý luận của chiến lược phát triển pháp luật hình sự, TSKH.GS. Lê Văn Cảm – Giám đốc Trung tâm Luật hình sự & tội phạm học, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội; (7) Mâu thuẫn trong cách xác định thiệt hại trong các tội phạm về chức vụ, tham nhũng, kinh té và kiến nghị hoàn thiện pháp luật, LS. Lê Cao – Giám đốc Công ty Luật FDVN; (8) Vai trò của giám định tư pháp trong điều tra tội phạm trong bối cảnh luật pháp Liên bang Nga, TSKH.GS. Tolstukhina Tatyana Viktorovna, Giáo sư Bộ môn giám định tư pháp và nghiệp vụ hải quan, Truờng Đại học Tổng hợp quốc gia Tula (Liên bang Nga); (9) Hệ thống cơ quan điều tra trong cải cách tư pháp của Liên bang Nga, GS.TS. Svetlichny Alexander Alekseevich, Phó, Trưởng Bộ môn Giám định tư pháp và nghiệp vụ Hải quan, Đại học tổng hợp quốc gia Tula (Liên bang Nga); (10) Thực trạng pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về vai trò luật sư trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, LS. Nguyễn Thị Huyền Trang - Giám đốc Công ty Luật Viên An - Đoàn Luật sư TP. HCM; (11) Thủ tục “đàm phán nhận tội” trong pháp luật tố tụng hình sự một số quốc gia và những gợi mở cho cải cách tư pháp ở Việt Nam, Báo cáo viên: Nguyễn Lưu Lan Phương – Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp, nhằm tạo ra diễn đàn khoa học góp phần vào "Cải cách Tư pháp trong lĩnh vực Tư pháp Hình sự" ở Việt Nam hiện nay.
(Các hình ảnh ghi lại tại Hội thảo)