Hội thảo khoa học quốc tế “Lịch sử pháp luật về thời kỳ Pháp thuộc tại Đông Dương”
Ngày cập nhật: 10-10-2024Ngày 10/10/2024, tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Lịch sử pháp luật về thời kỳ Pháp thuộc tại Đông Dương”. Hội thảo do Trường Đại học Luật, Đại học Huế phối hợp với Đại học Aix – Marseille, Cộng hòa Pháp đồng tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự của: GS. Eric Gasparini, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử các tư tưởng và thể chế Chính trị, Đại học Aix-Marseille; Giáo sư François Quastana và Tiến sĩ Julien Broch, các báo cáo viên đến từ Đại học Aix-Marseille; PGS.TS. Trần Văn Giang, Trưởng Ban Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế, Đại học Huế; Đại diện các Trường Đại học trên cả nước và lãnh đạo các sở, ban ngành, Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế.
Về phía Trường Đại học Luật, Đại học Huế có: PGS. TS. Đoàn Đức Lương, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Duy Phương, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; Trưởng, phó các đơn vị thuộc Trường và cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế nhấn mạnh: Chủ đề Hội thảo mang tính chất quan trọng, vì thời kỳ Pháp thuộc đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử pháp luật Việt Nam. Đây là giai đoạn chứng kiến sự giao thoa văn hóa Đông-Tây, đánh dấu sự chuyển mình của nền văn hóa pháp lý Việt Nam từ truyền thống Nho giáo sang sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa pháp lý châu Âu, đặc biệt là từ Pháp. Giai đoạn này đã có những đóng góp nhất định trong củng cố, phát triển “Luật tư” ở Việt Nam mà thể hiện rõ nhất là những dấu ấn của truyền thống Dân luật châu Âu trong bối cảnh pháp lý hiện tại.
Hội thảo đã lựa chọn ra 24 bài viết đến từ các học giả, nhà nghiên cứu đến từ Pháp, Việt Nam và quốc tế với các khía cạnh nghiên cứu khác nhau tập trung vào các lĩnh vực: Thứ nhất, nhóm bài viết về sự tổ chức chính quyền thuộc địa: tập trung bàn từ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền thuộc địa, cách thức tổ chức và hoạt động của các nhánh quyền lực và sự kiểm soát, chi phối giữa Chính quyền Pari với Chính quyền thuộc địa, giữa Chính quyền thuộc địa với Chính quyền bản địa. Thứ hai, nhóm bài viết bàn về chính sách Pháp quốc áp dụng tại Việt Nam lúc bấy giờ với phương pháp phân tích diễn ngôn từ các chính sách nhà cầm quyền đương thời áp dụng cho Việt Nam để thay đổi trong tư duy về tổ chức và vận hành xã hội trên cả hai góc độ cưỡng bức và tự nguyện. Thứ ba, nhóm bài viết bàn về sự cấy ghép pháp luật Pháp vào Việt Nam trong tiến trình thuộc địa hóa với việc đưa tư duy pháp lý Civil Law vào trong các lĩnh vực pháp luật cụ thể trên các khía cạnh cả về kỹ thuật lập pháp và nội dung, từ lĩnh vực luật công cho đến lĩnh vực luật tư. Những thách thức mà người Pháp phải đối mặt trong quá trình cấy ghép pháp luật. Thứ 4, nhóm các bài viết bàn về những ảnh hưởng của tư duy pháp lý từ Pháp tới Việt Nam về tổ chức Nhà nước và pháp luật khi bàn về các nội dung của pháp luật công và pháp luật tư hiện đại từ góc nhìn lịch sử và so sánh.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, buổi Tọa đàm với chủ đề “Nghiên cứu lịch sử pháp luật, kinh nghiệm của Đại học Aix – Marseille” cũng được tổ chức với các nội dung liên quan đến Phương pháp nghiên cứu LSPL: lời khuyên để tiếp cận và sử dụng hiệu quả các tài liệu nguồn; Phương pháp tìm kiếm tài liệu: giới thiệu về trung tâm lưu trữ Hải ngoại quốc gia Pháp (ANOM) trong mối liên hệ với các tài liệu về Việt Nam và Đông Dương; Kinh nghiệm nghiên cứu của ĐH Aix-Marseille: giới thiệu sơ lược về đơn vị, các hướng nghiên cứu, tiếp cận …do các học giả đến từ Đại học Aix – Marseille trình bày.
Hội thảo khoa học quốc tế “Lịch sử pháp luật về thời kỳ Pháp thuộc tại Đông Dương” là diễn đàn để các nhà khoa học cùng chia sẻ, đối thoại và trao đổi những nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử pháp luật thời kỳ thuộc địa, một mảng đề tài còn nhiều khoảng trống cần được khai thác để hoàn thiện bức tranh về lịch sử pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ.
Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp.