HUL – HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN 2024
Ngày cập nhật: 18-06-2024Thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2024, Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Luật, Đại học Huế làm đầu mối phối hợp với các đơn vị, đoàn thể của Trường tổ chức hoạt động về nguồn tại 02 tỉnh Hà Giang và Phú Thọ. Thông qua chuyến hành trình về nguồn nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc cho đội ngũ viên chức, người lao động, và sinh viên, nhất là thế hệ trẻ Đoàn thanh niên của Nhà trường.
Điểm hành trình thứ Nhất, Đoàn đến thăm viếng, dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, khi đến nơi đây toàn bộ các thành viên của Đoàn vô cùng xúc động, trào dâng biết bao cảm xúc đến rơi nước mắt khi chứng kiến những chứng tích lịch sử mà trước đây các thành viên chỉ biết, nghe và nhìn thông qua đọc sách, báo, truyền hình, nghe qua những đồng chí, đồng nghiệp đã từng chứng kiến kể lại; hôm nay Đoàn mới trực tiếp cảm nhận thực tế, tận mắt nhìn thấy thông qua minh chứng cho một thời kỳ đấu tranh Cách mạng hào hùng, tinh thần bất khuất của những người Cộng sản kiên cường đấu tranh, bám trụ để gìn giữ lại từng tấc đất, ngọn cỏ, tảng đá, núi sông của nước nhà, nơi tuyến đầu cực Bắc của tổ Quốc, các anh đã mãi mãi ra đi, gắn liền với tên gọi “Anh hùng liệt sỹ” các anh đã anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc, đi vào cõi vĩnh hằng, có những thể xác không còn nguyên vẹn bởi trúng đạn kẻ thù, các anh nằm lại nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên nơi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, rừng núi xa xôi, giao thông hiểm trở, khó khăn nên các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, người thân ít có điều kiện để đến thăm viếng, dâng hương, dâng hoa tri ân, với Đoàn công tác về nguồn của Trường Đại học Luật, Đại học Huế khi đến đây vô cùng xúc động, thương xót nhưng rất tự hào về sự anh dũng hy sinh của các anh hùng liệt sỹ để tâm nguyện phấn đấu học tập, rèn luyện, giáo dục thế hệ trẻ tiếp tục góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc ngày càng tươi đẹp.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên nằm cạnh đường quốc lộ 2A, thuộc địa phận thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang 18 km (chính vì vậy mà nghĩa trang cũng thường được gọi là nghĩa trang liệt sĩ km18). Đây là nơi quy tập, yên nghỉ của 1782 anh hùng liệt sỹ và một ngôi mộ tập thể, trong đó còn 297 ngôi mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin. Các liệt sỹ thuộc 32 tỉnh thành từ Bình Trị Thiên (cũ) trở ra, hầu hết các liệt sỹ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới mười tám đến hai mươi tuổi.
Thắp nén tâm nhang, các thành viên Đoàn công tác đều xúc động khi lắng nghe những lời tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ. Những đồng chí Cựu chiến binh của Trường, tuy không trực tiếp chiến đấu nhưng vào các thời khắc lịch sử của đất nước, cũng góp những phần việc nhỏ bé vào công cuộc đấu tranh, gìn giữ hòa bình. Khi đến đây, các đồng chí như được sống lại những năm tháng hào hùng của lịch sử. Các thành viên trong đoàn, những người may mắn được sinh ra trong thời bình nhưng vẫn phần nào cảm nhận được những mất mát, hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh. Dù khác nhau, nhưng lịch sử đã là sợi dây kết nối những hiểu biết và trách nhiệm của hai thế hệ trong Trường.
Hành trình thứ Hai, Đoàn đến thăm và thực hiện nghi Lễ chào cờ tại Cột cờ Lũng Cú – Nóc nhà của Việt Nam, di tích lịch sử linh thiêng, hào hùng của dân tộc. Cột cờ Lũng Cú được khởi công ngày 8/3/2010, hoàn thành vào đúng ngày Quốc khánh 2/9/2010. Cột cờ tọa lạc trên đỉnh núi Rồng, có có độ cao 1.468m so với mặt nước biển. Tổng chiều cao cột cờ là gần 35m, lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam.
Dưới chân cột cờ có 8 bức phù điêu bằng đá xanh, trên 8 bức phù điêu là những hình ảnh minh họa quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta, đan xen vào đó là các nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang. Phía trên 8 bức phù điêu có gắn 8 mặt trống đồng, vừa là biểu trưng của văn hóa Việt Nam, vừa gợi nhớ tiếng trống của vua Quang Trung khi xưa, để con cháu ngàn đời sau ghi nhớ công ơn dựng nước của ông cha ta. Ngoài ra đoàn đã trải nghiệm cung đường của đèo Mã Pì Lèng, con đường Hạnh Phúc có Cụm tượng đài Thanh niên xung phong, dài 185 km bắt đầu từ Thành phố Hà Giang xuyên qua Cao nguyên đá Đồng Văn tới thị trấn Mèo Vạc. Con đường hình thành từ công sức và cả máu xương của 1.200 dân công địa phương và hơn 1.000 thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc. Để tưởng nhớ và tri ân thế hệ thanh niên xung phong tham gia mở đường Hạnh Phúc, năm 2017 tỉnh Hà Giang đã hoàn thành xây dựng Cụm tượng đài Thanh niên xung phong.
Sau khi kết thúc Chương trình nghi Lễ chào cờ, Đoàn đã trực tiếp đến thăm Tổ Biên phòng canh giữ cột cờ Lủng Cú điểm đầu cực Bắc Tổ Quốc để động viên, chỉa sẽ tình cảm, tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nơi đây và hỗ trợ một phần kinh phí mua sách, vở, dung cụ học tập cùng các chiến Biên phòng trong việc đỡ đầu, nuôi, dạy cho các em con của đồng bào nơi đây có hoàn cảnh gia đình khó khăn được đến trường học tập.
Hành trình tiếp theo, Đoàn ghé thăm Dinh thự Vua Mèo hay còn gọi là Dinh thự họ Vương, tọa lạc tại thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nghe giới thiệu về lịch sử của căn nhà cổ này. Dinh thự họ Vương gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của 2 cha con người Mông là Vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình (hay Vương Chí Thành). Ông Vương Chính Đức (1886 - 1962) là người đứng đầu chế độ thổ ty phong kiến miền núi của dân tộc Mông nên còn được gọi với cái tên đầy quyền lực là Vua Mèo. Còn con trai ông là người đi theo con đường Cách mạng, nhờ những cống hiến cho đất nước nên được bầu làm đại biểu Quốc hội 2 nhiệm kỳ đầu tiên.
Kết thức hành trình “HUL – Hành trình về nguồn”, đoàn công tác của Trường Đại học Luật, Đại học Huế đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng tại tỉnh Phú Thọ – nơi cội nguồn của dân tộc, là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng nằm tại địa phận tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ cúng 18 đời vua Hùng Vương và tôn thất của nhà vua, những người đã có công dựng nước, được xem là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Đoàn công tác Nhà Trường đã đến dâng hương tại Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thương và Đền Giếng. Tại mỗi địa điểm, Đoàn đã tổ chức dâng hương và được giới thiệu chi tiết lịch sử hình thành, ý nghĩa lịch sử của các điểm di tích, giúp cho các đảng viên có thêm vốn kiến thức hiểu biết sâu sắc về lịch sử dựng nước của dân tộc Việt Nam.
Chuyến hành trình đã tạo điều kiện cho các thành viên trong đoàn công tác có dịp ôn lại và nâng cao lòng tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc, ý chí bất khuất của cha ông, ý chí quyết chiến quyết thắng của toàn đảng và toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết của viên chức, người lao động trong công cuộc xây dựng phát triển Trường Đại học Luật, Đại học Huế nói riêng và đất nước nói chung.