Sự đồng hành của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong hoạt động đào tạo của nhà trường
Ngày cập nhật: 21-06-2021Hoạt động đào tạo của Trường Đại học Luật, Đại học Huế với phương châm gắn “lý luận với thực tiễn” tạo môi trường học tập phù hợp nhất cho các vị trí việc làm. Những năm qua, Nhà trường luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Tư pháp, các tổ chức hành nghề luật, các doanh nghiệp cùng tham gia hoạt động đào tạo của Nhà trường.
Trong đó có sự hỗ trợ từ các các anh chị trong ngành kiểm sát, đặc biệt là sự hỗ trợ của anh Nguyễn Thanh Hải (Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế) - là cựu người học, đồng thời là thành viên Hội đồng trường Trường Đại học Luật, Đại học Huế nhiệm kỳ 2020-2025. Với các hoạt động hỗ trợ trong giảng dạy, tổ chức hoạt động thực tế, tuyên truyền pháp luật, thực tập của sinh viên đã đóng góp không nhỏ vào việc đào tạo nguồn nhân lực pháp lý chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội của Nhà trường.
Anh Nguyễn Thanh Hải tham dự chương trình hoạt động ngoại khoá Tuyên truyền pháp luật tại Trường Cao đẳng Du lịch Thừa Thiên Huế do Trường Đại học Luật, Đại học Huế phối hợp cùng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.
Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và anh Nguyễn Thanh Hải còn có những hoạt động hỗ trợ cộng đồng, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Anh Nguyễn Thanh Hải và cán bộ Viện kiểm sát tỉnh Thừa Thiên Huế đến hỗ trợ và trao quà cho quán cơm 5000 phục vụ bà con và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2021, anh Nguyễn Thanh Hải (cựu người học, thành viên Hội đồng trường Trường Đại học Luật, Đại Học Huế) được giới thiệu ứng cử trong danh sách bầu Đại biểu Quốc hội khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026, chúng tôi trân trọng giới thiệu lý lịch và chương trình hành động của ứng cử viên Nguyễn Thanh Hải.
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
Với vai trò là người đứng đầu ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Chương trình hành động tập trung vào mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát, thực sự trở thành cầu nối quan trọng giữa nhân dân với chính quyền nhà nước, chính quyền địa phương và là người đại biểu chân chính của nhân dân. Cụ thể:
1. Bản thân sẽ luôn nổ lực phấn đấu, rèn luyện xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Thực hiện đầy đủ và làm tốt trách nhiệm của người đại biểu quốc hội.
2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị chuyên môn; thực hiện tốt chủ trương cải cách tư pháp theo tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị “ Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý”. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát đối với hoạt động điều tra và xét xử đảm bảo các Quyết định, Bản án đều có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, kiên quyết không để lọt tội phạm và không làm oan sai người vô tội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, bảo vệ công bằng, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của của công dân, của tổ chức. Thường xuyên tổ chứctuyên truyền, phổ biến Pháp luật đến nhân dân.
3. Thực hiện nghiêm chỉnh việc tiếp dân để lắng nghe nhân dân góp ý xây dựng, đồng thời giúp dân giải quyết và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, ý kiến kiến nghị của cử tri. Trong đó giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân về lĩnh vực tư pháp, nhất là những đơn khiếu nại về oan sai, bức xúc kéo dài.
4. Thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết với nhân dân thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân, của cử tri. Luôn giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân liên quan đến dân chủ, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân và các vấn đề an sinh xã hội khác.
5. Thẳng thắn đối thoại, tiếp thu và phản ánh trung thực, kịp thời với Quốc hội những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp ý và xây dựng các đạo Luật, giúp Quốc hội ban hành những chủ trương, quyết sách sát hợp với tình hình kinh tế – xã hội tỉnh nhà, huy động tất cả nguồn lực để thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ chính trị sớm đưa Thừa thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.
Trên đây là chương trình hành động của bản nhân tôi, nếu được cử tri tín nhiệm, bầu làm ĐBQH khóa XV, với cương vị và trọng trách mới, tôi xin hứa sẽ đem hết công sức, trí tuệ để cống hiến cho sự nghiệp chung của đất nước, cũng như tôi có thêm cơ hội để có thể giúp cho tỉnh nhà ngày càng phát triển, đáp ứng sự tin tưởng, mong đợi của cử tri.