Trường Đại Học Luật, Đại Học Huế Tham Dự Hội Thảo Khoa Học Quốc Gia Thúc Đẩy Sự Kết Nối, Phổ Biến Và Bền Vững Trong Giáo Dục Thực Hành Pháp Luật Tại Việt Nam Và Kỷ Niệm 20 Năm Thành Lập Khoa Luật, Trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân
Ngày cập nhật: 27-10-2023Ngày 26/10/2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương và Tổ chức Sáng kiến giáo dục pháp luật cộng đồng xuyên biên giới Khu vực Đông Nam Á (BABSEACLE) đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Thúc đẩy sự kết nối, phổ biến và bền vững trong Giáo dục thực hành pháp luật tại Việt Nam”.
Hội thảo nằm trong chương trình hoạt động của mạng lưới Giáo dục thực hành pháp luật (CLE) tại Việt Nam với mong muốn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động giáo dục thực hành pháp luật của các cơ sở đào tạo Luật có mô hình CLE trên cả nước.
Thực hành Luật luôn là vấn đề quan trọng trong đào tạo Luật, đây là chủ đề không mới nhưng luôn là vấn đề nóng được nhiều nhà khoa học tại các cơ sở đào tạo Luật quan tâm, với hơn 40 bài của các tác giả gửi về BTC, 23 bài viết chất lượng được phản biện và lựa chọn đăng toàn văn trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia “Thúc đẩy sự kết nối, phổ biến và bền vững trong giáo dục thực hành pháp luật tại Việt Nam”.
Trường Đại học Luật, Đại học Huế là một trong 9 cơ sở có mô hình CLE tại Việt Nam. Các cơ sở khác như: Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Trường Đại học Luật, Đại học Huế; Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh; Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ, …
Đến tham dự Hội thảo Khoa học Quốc gia “Thúc đẩy sự kết nối, phổ biến và bền vững trong giáo dục thực hành pháp luật tại Việt Nam”.
Về phía đại biểu quốc tế có sự hiện diện của:
ông Bruce A Lasky và bà Wendy Morrish - Đồng Giám đốc Tổ chức BABSEACLE;
GS. Teressa Wilson - Hiệu trưởng Trường Luật, Đại học Griffith (Úc);
Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có sự hiện diện của:
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng;
PGS.TS Trần Văn Nam - Trưởng khoa Luật;
Đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; các cán bộ giảng viên, sinh viên Khoa Luật, NEU.
Về phía các đại biểu đến từ các cơ sở đào tạo Luật có sự hiện diện của:
PGS.TS Đoàn Đức Lường - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế;
LS. Bùi Văn Thành - Luật sư trưởng VPLS Mặt trời mới, thành viên Đoàn LSTP Hà Nội;
LS. Vũ Thu Hà - Giám đốc Công ty Luật ATS, thành viên Đoàn LSTP Hà Nội;
TS. Nguyễn Đặng Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Luật So sánh, Đại học Luật Hà Nội;
TS. Nguyễn Văn Huấn - UNDP Việt Nam;
TS. Hà Công Anh Bảo - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương;
TS. Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Luật, Đại học Công đoàn;
cùng đại diện các cơ sở đào tạo luật trên cả nước.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng cho biết, Giáo dục thực hành pháp luật (Clinical legal education, CLE) giữ vai trò quan trọng trong đào tạo luật trên thế giới cũng như tại Việt Nam. CLE cung cấp cho sinh viên những kỹ năng hành nghề, những cơ hội trải nghiệm nghể nghiệp thực tế với việc tích hợp những khía cạnh xã hội, văn hóa và đạo đức của nghề luật vào giảng dạy và thực hành. Được triển khai tại một số cơ sở giáo dục đại học về luật tại Việt Nam hơn mười lăm năm qua, CLE đã được chào đón và tích hợp vào nhiều chương trình đào tạo trình độ đại học ngành luật. Việc tích hợp này đã mang đến những hiệu quả tích cục khi nhiều hoạt động thực hành pháp luật đã được tổ chức, từ đó tăng khả năng thích ứng của sinh viên đối với thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.
Giáo dục thực hành pháp luật là một phương pháp giảng dạy đào tạo luật với nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với cách giảng dạy thuần lý thuyết truyền thống. Phương pháp CLE đã tạo điều kiện cho các bạn sinh viên luật có cơ hội áp dụng kiến thức trên giảng đường vào thực tế, kết hợp đào tạo chuyên môn đồng thời với đào tạo kỹ năng thực hành pháp luật cho sinh viên.
PGS. Nguyễn Thành Hiếu nhấn mạnh, trong khuôn khổ kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đồng thời hướng đến việc đánh giá toàn diện về quá trình giáo dục thực hành pháp luật - CLE tại Việt Nam và đưa ra những định hướng phát triển của chương trình Giáo dục thực hành pháp luật trong tương lai, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương và Tổ chức Sáng kiến giáo dục pháp luật cộng đồng xuyên biên giới Khu vực Đông Nam Á (BABSEACLE) đồng tổ chức Hội thảo ngày hôm nay, đồng thời kỳ vọng Hội thảo sẽ có được những đánh giá toàn diện hơn về thành công hoặc những điểm cần hoàn thiện, xu hướng phát triển của CLE tại Việt Nam trong thời gian tới.
Hình thành từ một số quốc gia thuộc hệ thống luật án lệ, hiện nay CLE đã phát triển, lan rộng, và trở thành một phong trào mang tính toàn cầu. Ở nhiều quốc gia, CLE đã trở thành một bộ phận cấu thành của chương trình đào tạo cử nhân luật, giúp cải tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy của các cơ sở đào tạo.
Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nhiều trường đại học luật hoặc có chuyên ngành luật cũng đã tiếp cận và ứng dụng mô hình CLE trong đào tạo cử nhân luật, có thể kể đến như Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Luật - Đại học Huế. Dưới sự bảo trợ của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc UNDP và BABSEACLE, Dự án Giáo dục pháp luật cộng đồng NEU-CLE đã ra đời từ năm 2011 với mục đích hướng tới phổ biến pháp luật tới những đối tượng yếu thế trong xã hội, đồng thời tạo ra một sân chơi giúp sinh viên chuyên ngành luật được học hỏi và phát triển chuyên môn.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, mô hình giáo dục thực hành pháp luật ở Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn sơ khai của quá trình phát triển với những động thái mang tính thử nghiệm, do đó vẫn còn nhiều thử thách và khó khăn. Việc mô hình này có thể được phát triển, sử dụng rộng rãi, bền vững trong đào tạo luật ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức. Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ giúp các cơ sở đào tạo luật đánh giá toàn diện về quá trình giáo dục thực hành pháp luật tại Việt Nam cũng như đưa ra những định hướng phát triển của chương trình CLE trong thời gian tới.
Các bài viết tham dự Hội thảo của Giảng viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế được BTC đánh giá cao và 02 bài viết được lựa chọn báo cáo tham luận tại Hội thảo, cụ thể:
1️. PGS.TS. Đoàn Đức Lương - TS. Lê Thị Thảo: Bài viết được lựa chọn báo cáo tại Hội thảo với tiêu đề “Thực hành giáo dục pháp luật thông qua cuộc thi pháp luật”
2️. NCS. Trần Cao Thành - TS. Lê Thị Phúc - CN. Trương Mỹ Linh: Bài viết được lựa chọn báo cáo tại Hội thảo với tiêu đề “Thực trạng hoạt động giáo dục thực hành pháp luật trong đào tạo luật tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế ”
3️. NCS. Phan Đình Minh - NCS. Phạm Bá Tân: Bài viết được lựa chọn đăng toàn văn trong Kỷ yếu Hội thảo với tiêu đề “Rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp thông qua hoạt động giáo dục và phổ biến pháp luật cộng đồng”
Các bài viết đến từ Trường Đại học Luật, Đại học Huế nhận được nhiều sự quan tâm từ phía các học giả, nhà khoa học tham dự Hội thảo, các đại biểu đến từ nhiều cơ sở đào tạo Luật trên cả nước rất quan tâm đến mô hình và các hoạt động CLE được triển khai tại HUL.
Với 03 phiên tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã trao đổi, thao luận, chia sẻ các thông tin và kinh nghiệm trong quá trình triển khai các hoạt động của CLE tại các cơ sở đào tạo luận, cụ thể:
Phiên 1: Tác động của sự kết nối, phổ biến và bền vững trong giáo dục thực hành pháp luật: Góc nhìn đa dạng từ Úc, Nigeria và Việt Nam. Chủ toạ: PGS.TS Trần Văn Nam - Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Phiên 2: Thúc đẩy tính gắn kết trong phát triển các chương trình giáo dục thực hành pháp luật. Chủ toạ: PGS.TS Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế
Phiên 3: Kiến nghị các giải pháp nhằm nhân rộng các chương trình giáo dục thực hành pháp luật. Chủ toạ: TS Hà Công Anh Bảo, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương.
Hội thảo khép lại ngày làm việc thứ nhất với những dự định, cam kết và kế hoạch dành động trong mạng lưới CLE trong thời gian tới. Hội thảo sẽ tiếp tục ngày làm việc thứ hai với chủ đề “Tăng cường khả năng nhân rộng các chương trình và đảm bảo phát triển bền vững” được diễn ra tại Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương.
HUL chúc cho chương trình Hội thảo thành công tốt đẹp và mở ra nhiều hoạt động CLE giữa các cơ sở đào Luật trong cả nước.
Nhân dịp Kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, PGS.TS. Trần Văn Nam - Trưởng Khoa Luật, NEU đại diện cho Trường nhận Hoa chúc mừng, Quà và 10 đầu sách phục vụ cộng đồng đến từ Trường Đại Luật, Đại học Huế do PGS.TS. Đoàn Đức Lương - Hiệu trưởng Nhà trường trao tặng.