TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT, ĐẠI HỌC HUẾ THAM GIA HỘI THẢO QUỐC TẾ EPCCPL 2023
Ngày cập nhật: 02-12-2023Ngày 01/12/2023, Trường Đại học Luật, Đại học Huế cùng Trường Đại học Luật Hà Nội (HLU) và Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế, với chủ đề: “Environmental Protection and Climate Change Policies and Law 2023: International and National Legislation Reaching Net-Zero Emissions - the Perspective of Developing Countries” (EPCCPL 2023). EPCCPL 2023 là diễn đàn đối thoại cởi mở về các chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh Việt Nam cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia đưa mức phát thải ròng về “0” (Net-Zero Emisions) vào giữa thế kỷ XXI.
EPCCPL 2023 vinh dự có sự tham gia của Quý đại biểu là đại diện cơ quan Nhà nước có liên quan, lãnh đạo các cơ sở đào tạo Luật trên cả nước,... cũng như các cơ quan thông tấn báo chí.
Về phía đại diện lãnh đạo các cơ sở đào tạo Luật, có sự hiện diện của: PGS. TS. Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM; TS. Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS. Đoàn Đức Lương - Hiệu trưởng, Trường Đại học Luật, Đại học Huế; PGS.TS. Nguyễn Duy Phương - Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Luật, Đại học Huế
Về phía diễn giả nước ngoài, có sự hiện diện của: GS. Alan R. Palmiter (William T. Wilson, III, Trưởng khoa Luật Kinh doanh, Trường Luật, Đại học Wake Forest, Hoa Kỳ) - diễn giả sẽ trình bày online tại phiên toàn thể, GS. Yuko Nishitani (Phó Chủ tịch Học viện Luật Quốc tế the Hague (Ha gưu), Đại học Kyoto, Nhật Bản), GS. Zhang Hui (Trường Đại học Trung Chính Tây Nam, Trung Quốc), TS. Sui Wai Mon (Khoa Luật, Thành viên Học viện Khoa học Đại dương và Trái đất, Trường Đại học Malaya, Malaysia), GS. Mao Uematsu (Đại học Riítumeikan, Nhật Bản; Đại học Chulalongkorn, Thái Lan), Trợ lý GS. Surinrat Kaewtong (Khoa Luật, Đại học Prince of Songkla, Thái Lan), NCS. Julia Cirne Lima Weston (Trung tâm Nghiên cứu Tương lai Luật học Católica, Bồ Đào Nha), Trường Đại học Quốc tế Symbiosis (Deemed University) (SIU), Ấn Độ cũng như sự tham gia của thẩm phán Tòa Tối cao Ấn Độ và Ủy ban Thế giới về Luật Môi trường.
Ngoài ra, Hội thảo cũng vinh dự được đón tiếp: Ông Vũ Xuân Thanh - Phó Viện trưởng, Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội Vụ - tham dự trực tuyến; Ông Hoàng Nhất Thống - Chuyên viên chính, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường - tham dự trực tuyến; PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Ngân - Phụ trách Phòng Sau Đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội; TS. Nguyễn Thị Hồng Yến - Giảng viên chính và nhà nghiêncứu, Trưởng Bộ môn Công pháp quốc tế, Khoa Pháp luật quốc tế Trường Đại học Luật Hà Nội;TS. Nguyễn Toàn Thắng - Viện trưởng, Viện Luật So sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội; TS. Nguyễn Thị Hồng Trinh - Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế; TS. Đào Mộng Điệp - Trưởng Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
Về phía Trường Đại học Kinh tế - Luật, có sự hiện diện của: PGS.TS. Võ Trí Hảo - Chuyên gia cao cấp, Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM; PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM; PGS.TS. Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng Phòng Thanh tra Pháp chế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM; TS. Đào Gia Phúc – Viện trưởng, Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM.Hiện Hội thảo còn ghi nhận sự tham gia trực tuyến thông qua link Zoom của các diễn giả đến từ Trường Đại học Marwadi, Trường Đại học Luật Symbiosis (SLS),Hội thảo cũng rất vinh dự đón tiếp vinh dự đón tiếp các học giả, nhà khoa học từ Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật, Đại học Huế, Đại học Thương mại, Trường Đại học Luật, ĐHQGHN và các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách từ Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội Vụ; Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Viện Luật So sánh; UBND huyện M'Drak, tỉnh Đắk Lắk cũng như các cá nhân, tổ chức khác có quan tâm và đặc biệt là sự đưa tin từ Đài Truyền hình Việt Nam, đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Tuổi trẻ, Báo Pháp luật, Báo Giáo dục & Thời đại, Báo Đầu tư.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Lễ Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh vui mừng được tiếp đón quý vị đại biểu đến tham dự Hội thảo “ENVIRONMENTAL PROTECTION AND CLIMATE CHANGE POLICIES AND LAW 2023” (EPCCPL 2023) lần thứ nhất được tổ chức tại Tp Hồ Chí Minh. Thay mặt BTC, với tư cách là đơn vị chủ nhà đăng cai tổ chức Hội thảo lần này, PGS.TS. Lê Vũ Nam gửi lời cảm ơn đến hai đơn vị đồng tổ chức và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đã chuẩn bị chu đáo cho Hội thảo lần này, kính chúc toàn thể đại biểu có thời gian trải nghiệm thú vị tại thành phố Hồ Chí Minh hoa lệ.Phát biểu khai mạc Hội thảo.
TS. Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của chủ đề Hội thảo. Trên cơ sở nhận thấy yêu cầu cấp bách về việc cắt giảm phát thải khí nhà kính trên quy mô toàn cầu, đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả của tất cả các quốc gia trên thế giới. Sự hợp tác này hết sức cần thiết để thực thi các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, cụ thể là tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các quốc gia đang phát triển và các khu vực dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Do vậy, các cam kết về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây không còn giới hạn ở các quốc gia phát triển có mức phát thải cao mà bao gồm cả những quốc gia đang phát triển, vốn dễ bị tổn thương trước các tác động của hiện tượng này. Điển hình như Việt Nam, một trong mười quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, tại COP26 và 27 đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia để đưa mức phát thải ròng về “0” và các cam kết quốc tế khác liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu minh chứng cho những nỗ lực rất lớn của Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác, nhưng đồng thời cũng đặt ra các thách thức trong việc lựa chọn và thực thi chính sách pháp luật phù hợp trong bối cảnh thiếu kinh nghiệm cũng như nguồn tài chính cần thiết. TS. Chu Mạnh Hùng kỳ vọng Hội thảo này sẽ trở thành một hoạt động thường niên đầu tiên trong lĩnh vực khoa học pháp lý tại Việt Nam về vấn đề này và bày tỏ cảm ơn đến UEL đã đón tiếp nồng hậu.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế khẳng định Hội thảo là hoạt động khoa học rất có ý nghĩa do ba cơ sở đào tạo Luật có uy tín trong cả nước, cũng là các thành viên thường trực trong mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật ở Việt Nam đồng tổ chức. Với lòng hứng khởi và niềm tin, tôi cho rằng Hội thảo quốc tế lần này chính là cơ hội, là nơi hội tụ cho các học giả, nhà nghiên cứu, nhà làm luật, các nhà hoạch định chính sách. Cùng nhau chúng ta sẽ chia sẻ kiến thức, tìm kiếm giải pháp và xây dựng những mối quan hệ hợp tác cần thiết, góp phần nào đó để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu rất cấp bách hiện nay. Thông qua hội thảo này tôi cũng hy vọng rằng tiếp tực mở ra cơ hội hợp tác không chỉ trong các trường đại học của Việt Nam mà còn kết nối với các trường Đại học trên thế giới; nhiều lĩnh vực nghiên cứu liên ngành được quan tâm thúc đẩy trong những năm tiếp theo. BTC đã thống nhất sẽ cùng thảo luận để xuất bản ấn phẩm kỷ yếu hội thảo trong thời gian sớm nhất trên các tạp chí có uy tín. Đại diện cho Trường Đại học Luật, Đại học Huế, PGS.TS. Đoàn Đức Lương bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc sự trách nhiệm, chuyên nghiệp, chu đáo của đơn vị chủ nhà đăng cai tổ chức (Trường Đại học Kinh tế- Luật), Trường đồng chủ trì (trường Đại học Luật Hà Nội), lãnh đạo Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, trân trọng cảm ơn các vị khách quý, các nhà khoa học, học giả trong nước và quốc tế, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương & địa phương đã đến với hội thảo quốc tế ngày hôm nay.
Sau thời gian 06 tháng chuẩn bị, EPCCPL 2023 đã nhận được gần 100 bản tóm tắt bài viết từ các giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học từ các cơ sở đào tạo luật trong và ngoài nước, Ban Tổ chức đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng và gửi thư mời viết bài toàn văn đến 80 tác giả/nhóm tác giả. Sau quá trình phản biện kín được thực hiện từ tháng 9/2023 đến tháng 11/20023, Ban biên tập rất vui mừng khi có 55 bài viết đủ điều kiện để đăng tại Kỷ yếu Hội thảo (online).Hội thảo đã diễn ra rất hiệu quả và sôi nổi với 01 phiên toàn thể và 04 phiên chuyên đề với gần 30 bài tham luận xoay quanh những vấn đề khung pháp luật về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.
Tại Phiên toàn thể, Hội thảo được lắng nghe bài tham luận đầu tiên về: cách tư duy lại chủ nghĩa tư bản với góc nhìn Phật học của Á đông khi người làm chính sách lẫn doanh nghiệp cần phải tránh đi tư duy hệ nhị nguyên và có chính sách, hành vi hài hòa môi trường xã hội. Sau đó, các bài tham luận chuyên sâu hơn liên quan đến khung pháp luật quốc tế về chống biến đổi khí hậu với các vụ kiện điển hình cũng như bài trình bày rất hay về công lý khí hậu với trường hợp điển hình tại Trung Quốc, từ đó bài trình bày về định giá các-bon cũng cho chúng ta thông tin thú vị về xu hướng ban hành các công cụ định giá các-bon trên thế giới và khung pháp luật hiện tại của Việt Nam về vấn đề này.
Tiếp đến hội thảo được tổ chức với 04 phiên chuyên có sự tham gia của 40 tác giả của 24 bài trình bày, thảo luận chuyên sâu về từng vấn đề cụ thể của pháp luật hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0”: khung pháp luật quốc tế, khung pháp luật quốc gia, công lý môi trường, thị trường các-bon và các vấn đề giao thoa, liên ngành.
Hội thảo đã chứng minh các mối quan tâm, rủi ro chung của thế giới, các diễn giả từ khắp các châu lục có thể cùng nhau hợp tác, trao đổi học thuật và đưa ra các đóng góp có giá trị cho xã hội, khoảng cách địa lý, văn hóa, ngôn ngữ bị xóa nhòa bởi sự nhiệt huyết và chân thành trong học thuật
Đại diện BTC, PGS.TS. Đoàn Đức Lương đã trao giấy chứng nhận và thư cảm ơn cho chủ trì phiên toàn thể và các phiên chuyên đề; trao giấy chứng nhận cho các tác giả có tham luận báo cáo tại Hội thảo.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh một lần nữa gửi lời cảm ơn đến Trường Đại học Luật, Đại học Huế và Trường Đại học Luật Hà Nội vì đã hỗ trợ và phối hợp rất hiệu quả để tổ chức thành công Hội thảo EPCCPL 2023. Tôi mong đây sẽ là nền tảng để gắn chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa 03 đơn vị trong tương lai. Ngoài ra, tôi cũng đặt biệt cảm ơn các diễn giả nước ngoài đã sắp xếp thời gian và không ngại quãng đường rất xa để có mặt trực tiếp tại Thành phố xinh đẹp của chúng tôi để tham dự sự kiện này. Hội thảo cũng không thể thành công nếu chúng tôi thiếu đi sự tham dự của các diễn giả, nhà khoa học từ khắp nơi tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác đã tham dự trực tuyến thông qua Zoom.
Sau Hội thảo ngày hôm nay, BTC sẽ tổng hợp và lựa chọn ra các bài viết xuất sắc để đăng tải tại Kỷ yếu ISBN nhằm cung cấp nguồn tài liệu tham khảo dành cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có quan tâm, các bài viết còn lại sẽ được đăng trên kỷ yếu online.
Cùng BTC nhìn lại một số khoảnh khắc tại EPCCPL 2023.