Trường Đại học Luật tổ chức Hội thảo khoa học Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần văn kiện đại hội XIII của Đảng
Ngày cập nhật: 02-01-2024Trường Đại học Luật tổ chức Hội thảo khoa học Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần văn kiện đại hội XIII của Đảng
Chiều ngày 02/01/2024, Trường Đại học Luật, Đại học Huế phối hợp với Công ty Luật hợp danh FDVN tổ chức Hội thảo khoa học Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần văn kiện đại hội XIII của Đảng.
Tham dự Hội thảo, về phía Đại học Huế có tham dự của: TS. Nguyễn Xuân Huy, Phó trưởng ban Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế; TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên.
Về phía trường Đại học Luật có: PGS.TS Nguyễn Duy Phương, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đồng Trường; Trưởng, phó các đơn vị thuộc Trường và toàn thể nghiên cứu sinh của Trường tham dự.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Duy Phương, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật nhấn mạnh: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã trở thành một nội dung trọng tâm của xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình hội nhập, cùng với việc nội luật hóa, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã từng bước khắc phục được sự khác biệt, xung đột và trở nên tiệm cận với các điều ước quốc tế.
Cùng với đó, quá trình xây dựng pháp luật đã ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch; chú trọng hơn sự tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, sự phối hợp giữa các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định và quy trình ban hành luật; từng bước phát huy vai trò chủ động, tích cực của các đại biểu Quốc hội và ý kiến đóng góp của nhân dân, trong đó có các diễn đàn học thuật như Hội thảo ngày hôm nay.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS. Trần Viết Long cho biết: Mục tiêu Hội thảo là đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Hội thảo cần tập trung làm rõ những nội dung sau theo các chủ đề sau: Nghiên cứu các giải pháp cải cách tư pháp, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, dân sự, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, hành chính, quản lý nhà nước…; Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến hệ thống pháp luật Việt Nam; Nghiên cứu pháp luật của các nước như: vấn đề tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động rửa tiền, việc hình thành khuôn khổ pháp lý đồng bộ của các nước ASEAN trong các lĩnh vực mua bán hàng hóa và dịch vụ, tài chính ngân hàng, môi trường, thuế, ty do hàng hải.
Sau một thời gian công bố thông tin, hướng dẫn và thực hiện việc tiếp nhận các bài viết, Hội đồng biên tập đã gửi phản biện và công bố chính thức đăng tải trong ký yếu là 23 bài viết. Các bài viết đã tuân thủ nội dung, hình thức và có giá trị khoa học cao trong quá trình hoàn thiện pháp luật
Hội thảo đã lựa chọn 03 bài tham luận để báo cáo và thảo luận tại Hội thảo, bao gồm: (1) Một số hạn chế, vướng mắc trong giải quyết tranh chấp về hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất và một số kiến nghị, do ThS.NCS. Thân Văn Tài trình bày;
(2) Nghiên cứu pháp luật quốc tế về bảo hộ nhãn hiệu hình ba chiều nhằm hoàn thiện quy định về bảo hộ nhãn hiệu hình ba chiều tại Việt Nam, do ThS. NCS. Đỗ Thị Diện trình bày;
(3)Tranh chấp về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp, do ThS. NCS. Phạm Thị Việt trình bày.
Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp.