HỘI NGHỊ VỚI CÁC BÊN LIÊN QUAN VỀ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THẠC SĨ CHUYÊN NGÀNH CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT MÔI TRƯỜNG ( DỰ ÁN CCP-LAW)
Ngày cập nhật: 09-11-2023Sáng Ngày 28/10/2023, Hội nghị với các bên liên quan về xây dựng chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Chính sách và pháp luật môi trường - Dự án CCP - LAW được tổ chức tại Phòng Hội thảo Nhà A1, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
Tham dự Hội nghị, về phía Đại học Huế có: TS Đỗ Thị Xuân Dung, Phó giám đốc Đại học Huế; TS. Nguyễn Xuân Huy, Phó Trưởng Ban KHCN-QHQT; TS. Nguyễn Công Hào - Trưởng Ban Đào tạo - CTSV Đại học Huế.
Về phía các cơ quan, đơn vị ngoài trường có: PGS. TS. Lê Văn Thăng- Nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên & Môi trường, Đại học Huế; PGS.TS. Trần Thanh Đức - Hiệu trưởng, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế; PGS. TS Trần Anh Tuấn – Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế; PGS.TS. Hoàng Công Tín - Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học; TS. Trần Thị Phượng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu miền Trung Việt Nam; LS. Đặng Thị Ngọc Hạnh - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế.
Về phía lãnh đạo Trường Đại học Luật, Đại học Huế có: PGS. TS Đoàn Đức Lương, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS. TS Nguyễn Duy Phương, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng. Cùng với sự tham dự của quý Thầy Cô là trưởng, phó các khoa chuyên môn, phòng ban chức năng, trung tâm trực thuộc trường Đại học Luật, Đại học Huế và các giảng viên quan tâm.
Hội nghị được tổ chức với mục đích thảo luận, trao đổi ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học nhằm triển khai và phát triển dự án. Dự án CCP-LAW là sự hợp tác giữa 3 nước châu Âu (Hi Lạp, Tây Ban Nha, Anh) và 3 nước châu Á (Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ)
Phần thứ nhất của Hội nghị đã lắng nghe Phát biểu chào mừng của PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
Hội nghị được hiểu hơn về Dự án CCP - LAW với phần giới thiệu thông tin Dự án và các mục tiêu của Dự án đến từ TS. Nguyễn Xuân Huy, Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Đại học Huế. Một trong những mục tiêu quan trọng của Dự án CCP - LAW là Xây dựng và mở thí điểm chương trình giảng dạy thạc sỹ mới Ngành Chính sách và Pháp luật môi trường.
TS. Lê Thị Thảo - Giám đốc Trung tâm Thực hành Luật và Khởi nghiệp, Thành viên Ban chuyên môn của Dự án CCP - LAW đã giới thiệu về Khung Chương trình đào tạo, đầu vào, đầu ra, tổ chức đào tạo ở Việt Nam và các quốc gia trong dự án.
Hội nghị đã được lắng nghe 03 tham luận đến từ các chuyên gia: PGS.TS. Lê Văn Thăng, Nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên & Môi trường, Đại học Huế với Tham luận: “Hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và sự tham gia của Việt Nam”.
TS. Trần Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu miền Trung, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế với Tham luận: “Cơ sở pháp lý quy định về giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu”.
ThS. LS. Đặng Thị Ngọc Hạnh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế; Giám đốc công ty Luật Ngọc Hạnh và cộng sự; Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Mặt trận tổ quốc tỉnh Thừa Thiên Huế với Tham luận: “Các thách thức về môi trường và các giải pháp trong xu thế toàn cầu”.
Mục tiêu cụ thể của dự án là phát triển, thử nghiệm và điều chỉnh các chương trình giảng dạy mới trong lĩnh vực pháp luật chống biến đổi khí hậu. Cụ thể, việc tích hợp một chương trình giảng dạy đa ngành về Chính sách và pháp luật chống biến đổi khí hậu toàn cầu được cung cấp như là một chương trình Sau đại học (PGDIp) hoặc dưới dạng chương trình thạc sỹ Luật học (LL.M) tùy thuộc vào quyết định cuối cùng của từng đối tác, nhằm giải quyết nhu cầu của một thế hệ mới những người có bằng thạc sỹ luật học sẽ có kiến thức chuyên môn cao về các chính sách môi trường và pháp luật chống biến đổi khí hậu.
Dự án CCP_LAW sẽ hỗ trợ Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam giải quyết những thách thức đối với hệ thống giáo dục đại học của mình thông qua việc nâng cao chất lượng và mức độ phù hợp đối với thị trường lao động.
Do đó, Dự án sẽ nâng cao trình độ năng lực và kỹ năng tại các tổ chức giáo dục đại học bằng cách phát triển chương trình đào tạo mới và sáng tạo có ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng các phương pháp giảng dạy thực tiễn tốt nhất đối với người dạy và người học. Các môn học trong chương trình đào tạo sau đại học sẽ hỗ trợ việc hiện đại hóa, khả năng tiếp cận và quốc tế hóa giáo dục đại học ở Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam. Việc thành lập Trung tâm Chính sách và pháp luật chống biến đổi khí hậu tại tất cả các cơ sở đào tạo luật của các trường đại học châu Á sẽ hỗ trợ năng lực kết nối mạng lưới hiệu quả trong nghiên cứu và khả năng tạo các kết nối với nỗ lực của chính cơ sở giáo dục về hoạch định chính sách chống biến đổi khí hậu.
Một số hình ảnh tại buổi Hội nghị