Hội thảo khoa học quốc tế “'Lịch sử pháp luật châu Á lần thứ 4”
Ngày cập nhật: 19-08-2024Trong hai ngày 25/7/2024 và 26/7/2024, tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã diễn ra Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề “Lịch sử pháp luật châu Á lần thứ 4”.
Hội thảo do Trường Đại học Luật, Đại học Huế; Khoa Luật - Trường Đại học Oxford, Vương quốc Anh và Khoa Luật - Trường Đại học Trung Văn, Hồng Kông phối hợp đồng tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự của: GS. TS. Christopher Michael Roberts đại diện Khoa Luật - Trường Đại học Trung Văn, Hồng Kông; GS. TS. Bùi Ngọc Sơn, đại diện Khoa Luật - Trường Đại học Oxford. Cùng sự tham dự của nhiều giáo sư, nhà khoa học, diễn giả uy tín đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, như Vương quốc Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore… và các cơ sở giáo dục đại học đào tạo Luật ở Việt Nam.
Về phía Trường ĐH Luật, Đại học Huế có: PGS. TS. Đoàn Đức Lương, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Duy Phương, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đồng Trường; Trưởng, phó các đơn vị thuộc Trường và toàn thể cán bộ, giảng viên Nhà trường tham dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế cho biết, với tư cách là Chủ tịch mạng lưới cơ sở đào tạo Luật ở Việt Nam, nhà trường luôn chú trọng hợp tác phát triển; các hoạt động hợp tác quốc tế luôn được ưu tiên, tạo ra nhiều diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế.
“Sự hội tụ của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, diễn giả từ nhiều trường đại học có uy tín trên thế giới tại hội thảo sẽ là cơ hội gặp gỡ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và khởi đầu cho sự hợp tác mới mang lại giá trị cao về khoa học. Hội thảo sẽ có nhiều trao đổi, tranh luận và góp ý khoa học có giá trị trong nghiên cứu, đào tạo về lịch sử pháp luật châu Á trong tương lai” – PGS.TS Đoàn Đức Lương nhấn mạnh.
Hội thảo đã tiếp nhận và đưa vào chương trình 81 bài viết của nhiều nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý trong nước, quốc tế. Điều đó cho thấy, lịch sử pháp luật nói chung và Lịch sử pháp luật châu Á nói riêng luôn luôn là chủ đề được quan tâm. Dù trong hiện tại và tương lai các vấn đề lịch sử pháp luật nói chung và châu Á nói riêng vẫn luôn vận động và phát triển, đòi hỏi các nhà lý luận và thực tiễn tiếp tục nghiên cứu và được làm rõ hơn không chỉ góc nhìn pháp luật mà còn mang yếu tố văn hoá, lịch sử, truyền thống, thể chế chính trị trong mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi quốc gia,… càng nghiên cứu thì càng thấy thú vị và có ý nghĩa.
Hội thảo được chia thành 10 phiên với 8 phiên theo nhóm chủ đề và 2 phiên toàn thể. Các chủ đề liên quan đến lịch sử pháp luật ở Châu Á, được tham luận tại Hội thảo như: Pháp luật Thực dân và hậu thực dân ở Châu Á; Hiến pháp và Luật Công Châu Á; Sự phát
triển của Luật Dân sự Việt Nam; Luật Hiến Pháp Châu Á; Luật tư Châu Á; Cách tiếp cận của Châu Á đối với Luật Quốc Tế; Sự phát triển của Luật Hình sự Việt Nam.
Sau 02 ngày tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Lịch sử pháp luật châu Á lần thứ 4” tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã diễn ra thành công tốt đẹp.