HUL – HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN
Ngày cập nhật: 27-07-2023Thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2023, Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Luật, Đại học Huế tổ chức hoạt động về nguồn tại 02 tỉnh Sơn La và Điện Biên, quần thể di tích lịch sử gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ trong thời gian 04 ngày từ 22/7 đến 24/7/2023.
Điểm đến đầu tiên của Đoàn đến thăm Di tích Quốc gia đặc biệt - Nhà tù Sơn La, đến thăm nơi đây trào dâng biết bao cảm xúc khi chứng kiến những chứng tích lịch sử minh chứng cho một thời kỳ đấu tranh cách mạng hào hùng, tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên trung.
Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp thiết kế 49 phòng giam to nhỏ khác nhau. Trải qua 2 lần tàn phá bằng bom của giặc, di tích Nhà tù Sơn La không còn nguyên vẹn nhưng những bức tường nhà ngục đổ nát vẫn còn giá trị minh chứng cho tội ác dã man của kẻ thù. Trong 15 năm (1930 - 1945), thực dân Pháp đã giam giữ 14 đoàn tù chính trị, với tổng số 1.013 lượt tù nhân tại đây. Nơi đây đã trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng những chiến sĩ cộng sản xuất sắc, đóng góp chung vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 như: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn...
Ngày thứ 02, Đoàn đã đến thăm khu di tích lịch sử Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, cơ quan đầu não quan trọng nhất của chiến dịch Điện Biện Phủ. Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh, đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận giành thắng lợi làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nơi đây là biểu tượng của đỉnh cao trí tuệ quân sự và khí phách anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đoàn tiếp tục đến tham quan Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi đã ghi dấu lại biết bao chiến tích của quân đội và nhân dân ta trong chiến dịch. Những tư liệu, những hiện vật và hình ảnh trưng bày tại đây như giúp Đoàn được sống lại trong giây phút chiến đấu anh dũng, kiên cường của các chiến sĩ bộ đội để bảo vệ độc lập dân tộc. Nổi bật trong Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là bức họa đồ panorama (lớn nhất khu vực Đông Nam Á) tái hiện lại toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ với hàng loạt bức họa sinh động được vẽ liên hoàn trên tường trong một không gian đồng hiện đa hướng, đa tầng. Tác phẩm là sự nỗ lực của đội ngũ các họa sĩ, nhà điêu khắc đã làm việc miệt mài trong suốt 02 năm nhằm khắc họa lại lịch sử hào hùng của quân và dân ta tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Điểm dừng chân cuối ngày thứ 02 của đoàn trong hoạt động về nguồn là khu di tích lịch sử Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát-xtơ-ri. Tọa lạc ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, Hầm chỉ huy là nơi làm việc và nghỉ ngơi của tướng Đờ Cát-xtơ-ri cùng Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hầm chỉ huy được xây dựng hết sức kiên cố với vòm sắt, ván gỗ, bao cát, hàng rào dây thép gai dày đặc. Vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954, Tạ Quốc Luật, chỉ huy trưởng đại đội 360, trung đoàn 209, sư đoàn 312 đã bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri tại bàn làm việc. Lá cờ quyết chiến quyết thắng được cắm trên nóc hầm Đờ Cát-xtơ-ri, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trong ngày cuối cùng của hành trình về nguồn, điểm đến đầu tiên của Đoàn tại Nghĩa trang liệt sĩ A1.
Đây là nơi an nghỉ của 644 ngôi mộ là những cán bộ, chiến sỹ quân đội đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hầu hết là các ngôi mộ vô danh, chỉ có 4 ngôi mộ có tên là các anh hùng liệt sỹ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can.. Đoàn đã dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ đến công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh làm nên chiến thắng lịch sử cho dân tộc.
Điểm đến tiếp theo của Đoàn là khu di tích lịch sử đồi A1, cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp đặt tại Điện Biên Phủ, nơi đây đã diễn ra trận chiến đấu gay go quyết liệt nhất trong toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ, hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hi sinh, có thể nói máu các anh đã thấm đỏ từng tấc đất, từng ngọn cỏ trên đồi A1. Tâm trạng bồi hồi xúc động xen lẫn tự hào là cảm xúc chung của cả Đoàn khi lắng nghe những lời kể về trận đánh oanh liệt của bộ đội ta tại cứ điểm đồi A1.
Và kết thức hành trình “HUL – Hành trình về nguồn” là tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên cứ điểm đồi D1, đây là công trình văn hóa, nghệ thuật mang đậm giá trị lịch sử, tính nhân văn và tâm linh sâu sắc, tôn đúng tầm ý nghĩa to lớn về một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trải qua hơn nửa thế kỷ nhưng Tượng đài chiến thắng vẫn sừng sững giữa đất trời Điện Biên lịch sử và cùng với các di tích khác của chiến trường năm xưa như: Đồi A1, cầu Mường Thanh, Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Mường Phăng.... đã trở thành địa danh trường tồn cùng đất nước. Những di tích lịch sử cách mạng này mãi mãi là minh chứng cho sự tồn tại và phát triển bền vững của mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.
Chuyến hành trình đã tạo điều kiện cho các thành viên trong đoàn công tác có dịp ôn lại và nâng cao lòng tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc, ý chí bất khuất của cha ông, ý chí quyết chiến quyết thắng của toàn đảng và toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết của viên chức, người lao động trong công cuộc xây dựng phát triển Trường Đại học Luật, Đại học Huế nói riêng và đất nước nói chung.